Trong khoảng thời gian giữa hai đại hội, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đã có những diễn biến tác động không nhỏ đến hoạt động báo chí, đáng chú ý là sự tiến bộ vũ bão của công nghệ thông tin vừa đem đến nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với báo chí và nhưng người làm báo, nhất là lĩnh vực báo in.
Đơn cử một vấn đề, báo chí có lợi thế là nguồn thông tin chính thức với đội ngũ đưa tin chuyên nghiệp, nhưng với hơn 20 triệu người sử dụng Internet hiện nay, còn nhiều kênh thông tin khác mà họ dễ dàng tiếp cận được.
Thử làm một cuộc thăm dò bỏ túi, bản thân tôi cũng như nhiều bạn đọc khác nhiều khi chưa thấy “đã” với những thông tin trên mặt báo, nhiều khi trong đầu chúng tôi nảy ra câu hỏi “tại sao” về vấn đề báo nêu mà không được giải đáp một cách thỏa đáng. Với những thông tin mà báo chí chỉ phản ánh ở bề mặt, bắt buộc bạn đọc phải tìm đến những kênh khác để thỏa mãn nhu cầu thông tin của mình.
Số đông trong những người thường xuyên sử dụng Internet là các bạn trẻ. Từ góc độ một người làm công tác giảng dạy trong trường đại học, tôi thường xuyên tiếp xúc với các bạn sinh viên, nhiều lần tôi hỏi các bạn có đọc báo không và quan tâm đến vấn đề gì được nêu trên báo? Đáng tiếc là nhiều bạn mặc dù thường xuyên sử dụng Internet nhưng ít đọc báo và việc nắm bắt các vấn đề thời sự của đất nước khá hạn chế...
Chắc rằng đây chưa phải là bức tranh toàn cảnh và chứa đựng nguyên nhân từ nhiều phía, nhưng có lẽ cũng là một vấn đề đáng cho những người làm báo quan tâm.
Trong khi bạn đọc chờ đợi nhiều hơn về chất lượng thông tin của báo chí, thì báo chí nước ta lại đang có sự phát triển nhanh chóng về số lượng. Sự phát triển đó ít nhiều dẫn đến sức ép cạnh tranh giữa các loại hình báo chí, giữa các cơ quan báo chí... Nhưng dường như không phải cuộc cạnh tranh nào cũng hoàn toàn đem lại lợi ích cho xã hội nói chung.
Chúng ta có thể nhận thấy điều đó khi chứng kiến cuộc cạnh tranh nóng về bản quyền truyền hình bóng đá giữa các nhà đài đang diễn ra mà báo Tuổi Trẻ đã viết nhiều bài về đề tài này. Có thể sự cạnh tranh đó là đúng với quy luật của thị trường, nhưng nó lại chưa đúng với vai trò và chức năng của báo chí nước ta.
Đại hội lần này sẽ thảo luận nhiều vấn đề lớn của báo chí nước nhà, trong đó các nhà báo sẽ tập trung trí tuệ để rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng hoạt động của báo chí và nhiệm vụ công tác của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ mới sao cho sát với tình hình thực tế.
Là nhà báo và cũng là bạn đọc, nếu được “đặt hàng” với các nhà báo tham dự đại hội, chúng tôi hi vọng những vấn đề nêu trên sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Báo chí sống bằng thông tin và cũng sống nhờ bạn đọc, dự thảo báo cáo chính trị của đại hội lần này có đề ra việc báo chí phải không ngừng đổi mới, điều đó cần thiết là sự đổi mới vì bạn đọc, bạn xem truyền hình, bạn nghe đài. Hi vọng đại hội cũng sẽ bầu ra một ban chấp hành mới nhiệt huyết, có năng lực và trình độ chuyên môn vững vàng để đảm nhiệm tốt sứ mệnh là đại diện cho đội ngũ các nhà báo Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận